Việt Nam đang tiếp tục đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, việc quan tâm phát triển các ngành CNVH là một trong những bước đi đột phá và là công cụ hiệu quả để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo; giúp tận dụng được tối đa những nguồn lực lớn. Đó là tài năng của dân số trẻ với sự sáng tạo, kết nối toàn cầu và vốn văn hóa truyền thống với bề dày hàng nghìn năm của dân tộc, là năng lực thích ứng nhanh nhạy và bền bỉ của người Việt Nam.

Những điểm nhấn quan trọng Các ngành CNVH được phát triển nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Sự phát triển đó phải dựa trên cơ sở hướng tiếp cận tổng thể và hệ thống, với nhiều vấn đề tương tác và có mối liên quan mật thiết đến nhau như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế tài chính, pháp lý, phát triển các chương trình giáo dục, đào tạo và các mạng lưới làm việc, phát triển công chúng... đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ, ngành các đối tác công và tư. Cách tiếp cận chiến lược tổng thể bao gồm sự cải tổ trong giáo dục, kỹ năng, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thương hiệu, thị trường và sự tích hợp với các ngành có liên quan khác. Đồng thời phải biết cân đối giữa lợi ích kinh doanh với các mục đích chính trị, văn hóa, giáo dục của văn hóa; nhận thức được sự tích hợp ngày càng cao giữa công nghệ, sáng tạo văn hóa và năng lực kinh doanh trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa.