Ngày 30-1, tin từ Bộ GTVT cho biết vừa thông báo kết luận nội dung tố cáo đối với Hội đồng thành viên, tổ chức cá nhân Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC).
Đọc thêm: Biệt thự Pháp





Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. ẢNH: QUANG ĐỊNH


Cụ thể, sau 6 tháng xác minh, đoàn xác minh của bộ này kết luận VEC chỉ định nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trái luật trên 3 tuyến cao tốc gồm: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đây là nội dung tố cáo có cơ sở.
Theo Bộ GTVT, sai sót trên được xác định từ việc chủ tịch hội đồng thành viênVEC ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc không thông qua đấu thầu.
Nguyên nhân để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan của hội đồng thành viên mà trách nhiệm chính là chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, các cá nhân tổ chức tham mưu ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Tổng cộng có 8 trạm dừng nghỉ ở 3 tuyến cao tốc trên được thực hiện không thông qua đấu thầu.
Trong đó, một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định do Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn thực hiện.
Chủ tịch hội đồng thành viên VEC đã ký hợp đồng với công ty này triển khai đầu tư xây dựng trạm giai đoạn 1 hơn 39 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 47,4 tỉ đồng với thời gian tạm xác định hoàn vốn 20 năm.
Một trạm dừng nghỉ của dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh thực hiện. Giá trị hợp đồng được ký kết trong giai đoạn 1 là 62 tỉ đồng, giai đoạn 2 chưa xác định.
Hiện công trình này đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 12-2014. Thời gian hoàn vốn tạm thời xác định trong 50 năm.
Còn trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Tổng công ty đầu tư phát triển cao tốc VN ký hợp đồng với nhà đầu tư xây dựng 6 trạm dừng nghỉ không thông qua đấu thầu.
Cụ thể, trạm dừng nghỉ ở km22+900 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 113 tỉ đồng do Công ty TNHH Phước An thực hiện với thời gian hoàn vốn tạm xác định là 21 năm. Công ty này đã đưa công trình vào khai thác từ tháng 10 - 2015.
Trạm dừng nghỉ km57+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1: 19 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 14,8 tỉ đồng, giai đoạn 3 hơn 33,1 tỉ đồng với thời gian hoàn vốn tạm xác định 40 năm. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Tuấn Tú - Phú Thọ, hiện đã đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 từ tháng 4-2015.
Trạm dừng nghỉ km117+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 hơn 23,2 tỉ, giai đoạn 2 hơn 12,3 tỉ, giai đoạn 3 hơn 3,9 tỉ với thời gian hoàn vốn tạm xác định 33 năm. Công ty cổ phần Phú Thịnh - Phú Thọ đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 4 - 2015.
Trạm dừng nghỉ km171+500 (bên trái tuyến cao tốc) do Công ty cổ phần 27/7 Thanh Xuân thực hiện với giai đoạn 1 hơn 17,1 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 9,8 tỉ đồng có thời gian hoàn vốn tạm xác định 40 năm.
Trạm dừng nghỉ km171+500 (bên phải tuyến cao tốc) do Công ty VECS (công ty con của VEC) thực hiện với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10,5 tỉ đồng, giai đoạn 2 là 16 tỉ đồng với thời gian tạm xác định hoàn vốn 40 năm.