Đường 9 Nam Lào bắt nguồn từ thị xã Đông Hà (Quảng Trị) nối vào đường 13 của nước bạn Lào tại tỉnh Savannakhet. Trên tuyến đường này còn lưu giữ rất nhiều hiện vật, bia dẫn tích, tượng đài,… để gợi nhớ một thời oanh liệt mà 2 dân tộc Việt Nam và Lào đã kề vai sát cánh đánh kẻ thù chung. Đặc biệt, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ dọc con đường huyền thoại, mà còn có thể thăm các điểm di tích lịch sử gắn với một thời quá khứ hào hùng của dân tộc.

1. Thăm lại mặt trận đường 9 Nam Lào
Đường số 9 Nam Lào từng là chiến trường ác liệt nhất Đông Dương. Chiến dịch Lam Sơn 719 diễn ra trong 77 ngày từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1968 đánh dấu sự cáo chung của hàng rào điện tử McNamara và tại Khe Sanh. Lần đầu tiên, quân đội Hoa Kỳ phải trút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu. Vì vậy, chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh được người Mỹ cho là “Trận Điện Biên Phủ thứ 2” đã làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Ngày 30/1/1971, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch – Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” , mở đường 9 Nam Lào và sử dụng Khe Sanh làm sân bay trực thăng.

Đường 9 Nam Lào chiến trường ác liệt nhất thời kháng chiến chống Mỹ

Tướng Abram, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam cùng Thiệu huy động lúc cao nhất có 15 trung đoàn bộ binh, hai trung đoàn thiết giáp, 21 tiểu đoàn pháo binh, hơn 700 máy bay, 4 tiểu đoàn quân ngụy Lào. Riêng ở mặt trận Khe Sanh, quân địch có khoảng 23.000 tên. Trong đó có 15.000 tên Mỹ, 200 đại bác và súng cối, hơn 1.000 xe quân sự rải khắp đường số 9 dài khoảng 70 km từ Đông Hà đến Lao Bảo. Đây là cuộc hành quân lớn nhất, điển hình của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Về phía ta, trực tiếp tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào không chỉ có 60.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc Binh đoàn 70, Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang mặt trận B5, B4, Đoàn 559, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn tăng – thiết giáp và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ… Mà còn có lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương và nhân dân từ phía người láng giềng thân thiết Lào đã giúp đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh địch.

Sau hơn một tháng phản công, trong đó có nhiều trận chiến đấu ác liệt, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 2 vạn tên địch, đánh thiệt hại nặng 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh; phá hủy 1.100 xe, hơn 100 khẩu pháo lớn, bắn rơi 550 máy bay. Ta bắt hơn 1.000 tù binh, thu 3.000 khẩu súng các loại và nhiều trang bị quân sự. Quân đội Sài Gòn bị một đòn tiêu diệt nặng.

“Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”

Trong những năm tháng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do và xây dựng đất nước trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, quân tình nguyện Việt Nam luôn trước sau thủy chung kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào vững bước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, góp phần củng cố và và phát triển vững chắc tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.

Đặc biệt, hầu hết các tham luận đều nêu bật tình đoàn kết đặc biệt liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam và chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719″ đã góp phần nêu bật tình cảm thủy chung son sắt giữa bộ đội Việt Nam với quân đội và nhân dân Lào.

2. Các điểm du lịch nổi tiếng dọc tuyến đường 9 Nam Lào
2.1. Khe Sanh
Là một địa danh rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Vùng đất này được cả thế giới biết đến như là “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là chốn “địa ngục trần gian” theo cách cảm nhận của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong 77 ngày bị vây hãm ở đây. Ngày nay, Khe Sanh được biết đến với các di tích để du lịch và tiềm năng về thương hiệu cà phê Khe Sanh.

2.2. Sân bay Tà Cơn


Khu di tích sân bay Tà Cơn nằm tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Sân bay Tà Cơn là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh những năm 1966 – 1968. Hiện nay, trong khuôn viên di tích có một Bảo tàng về đường 9 Nam Lào. Ở đây, du khách sẽ được các thuyết minh viên mô tả lại các trận đánh ác liệt trong chiến dịch tấn công giải phóng Khe Sanh.

2.3. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Đây là nơi yên nghỉ và ghi công của hơn 10 ngàn anh hùng đã chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Nổi bật nhất khu Nghĩa trang là Tượng đài chiến thắng, cao 18m, khắc họa hình ảnh anh bộ đội Việt Nam gắn bó với những người bạn Lào láng giềng, thể hiện tình đoàn kết keo sơn của hai dân tộc.

2.4. Khu du lịch tổng hợp Tuyền Lâm, Cam Lộ
Từ thành phố Đông Hà ngược lên phía Tây theo Đường 9 khoảng 30km sẽ thấy khu du lịch tổng hợp tâm linh, hoài niệm, sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh Tuyền Lâm, Cam Lộ. Trong khu vực này có suối nước nóng Tân Lâm và rất nhiều mạch nước nóng, là điều kiện lý tưởng để khách du lịch vừa được tắm nước khoáng nóng thư giãn, chữa bệnh, vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên.

2.5. Thác Chênh Vênh
Là một địa điểm du lịch mới đang thu hút du khách gần xa, nằm cách đường 9 Nam Lào khoảng 27km về phía Bắc, ngay dưới chân đèo Sa Mù. Nơi đây rất thích hợp với những du khách thích trải nghiệm, cắm trại và khám phá nét đẹp hoang sơ tự nhiên ban tặng cho con người.

2.6. Nhà tù Lao Bảo



Nhà tù Lao Bảo nằm ở phía Tây Nam Quốc lộ 9, thuộc địa phận thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, nằm gần biên giới Việt – Lào. Hiện “địa ngục trần gian” Lao Bảo đã được tôn tạo lại một số hạng mục như Cụm Tượng đài, khuôn viên, nhà đón tiếp, nhà trưng bày,… để du khách có cái nhìn đầy đủ, chân thực hơn về những ngày tháng chông gai trong lịch sử dân tộc.

Những chứng tích lịch sử của đường 9 Nam Lào vẫn còn đó để nhắc nhớ các thế hệ mãi khắc ghi về những mất mát hy sinh mà cha ông đã trải qua, nhắc nhớ về một mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào mà không có quốc gia nào trên thế giới có được. Đó là mối quan hệ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững…
Nguồn: https://anhduongtours.vn/hanh-trinh-...ong-9-nam-lao/