Người ta thường nghĩ rằng, sáng tạo luôn được hình thành từ những điều cao siêu mà không phải ai cũng có thể làm được. Và như thế nào sẽ được gọi là sáng tạo? Là một tác bức tranh ai nhìn cũng có thể hiểu được thông điệp hay là nhìn hoài mà không thể phân tích nổi bởi vì quá trừu tượng?



Picasso là một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha. Hầu như mọi bức tranh của ông đều rất đắt, bức đất nhất có giá đến 106 triệu USD. Và người ta đổ hàng hàng đống tiền chỉ để sở hữu một bức của Picasso treo trong nhà. Nhưng liệu mấy ai thật sự hiểu được những thông điệp mà người họa sĩ này truyền tải?

Có quan trọng gì đâu thì người thưởng thức chỉ cần nó hơi trừu tượng một chút và có chữ ký của Picasso là đã chấp nhận bỏ tiền sở hữu. Nhưng ở một khía cạnh khác, sự sáng tạo trong một sản phẩm quảng cáo (bất kỳ dưới hình thức nào) để phải mang rất nhiều yếu tố bên dưới trước khi đặt yếu tố sáng tạo lên. Đó là giá trị thương hiệu, giá trị sản phẩm, khách hàng mục tiêu, mục đích quảng cáo,… sau đó phải thể hiện nó thật sáng tạo nhưng cũng phải dễ hiểu. Khách hàng sẵn sàng bỏ hàng chục triệu để mua một tác phẩm hội họa dù không hiểu nhưng sẽ không mua một sản phẩm gì đó vài chục nghìn nếu không biết được giá trị mà nó mang lại là gì.

Chính vì thế, sáng tạo trong marketing không phải là nói những điều cao siêu để khách hàng suy nghĩ vài ngày vẫn chưa ra thông điệp mà marketers muốn truyền tải. Mà đó, là nói những điều đơn giản một cách thông minh để khách hàng nhận ra ngay lập tức sau khi xem sản phẩm truyền thông của bạn, nhưng vẫn đủ khéo léo đề cập đến sản phẩm đang bán. Các marketers phải biết “bay” lên mây nhưng chân vẫn “đáp” đất để tránh trường hợp “té đau”. Bởi vậy, trong một chiến lược marketing không thể thiếu 2 yếu tố đó là “tư duy sáng tạo” và “tư duy chiến lược” để cân bằng giữa việc tưởng tượng và thực tế, khiến sản phẩm “dễ xơi” hơn đối với khách hàng.


Ai cũng biết rằng “Sáng tạo là tạo ra điều khác biệt”, nhưng đôi khi bạn sẽ bị chệch hướng sang “dị biệt” lúc nào không hay. Đừng mải mê phức tạp hóa mọi vấn đề, làm bóng bẩy mọi ngôn ngữ, lập hình hình ảnh đến choáng váng,… Hãy đơn giản hóa mọi vấn đề phức tạp, diễn giải những vấn đề khó hiểu bằng ngôn ngữ dễ hiểu và mới mẻ. Người sáng tạo giỏi không hẳn là người khám phá những điều mới mẻ, mà là người nói những điều ai cũng biết trong một cách đặc biệt, thu hút nhưng vẫn dễ hiểu.

Trong thế giới marketing, bạn tạo ra một sản phẩm “không đụng hàng” ý tưởng chưa chắc đã là sáng tạo nếu không một ai hiểu được ý nghĩa và thông điệp mà bạn muốn truyền tải là gì. Vì thế, các marketers ngoài trí tưởng tượng cần có được suy nghĩ logic để không kéo họ “bay cao bay xa” mà không thể “đáp” cánh nổi.

*Nguồn: Nguyễn Đức Sơn

>>> Xem thêm Dịch vụ Marketing tphcm